MẬT ONG NGUYÊN CHẤT TỪ THIÊN NHIÊN

KỸ THUẬT NUÔI ONG NỘI ĐỊA APIS CERANA

12/02/2023 Kỹ Thuật Nuôi Ong 251

Ở bài viết trước, Mật Ong Hiền Thảo đã gửi đến bạn đọc bài viết chi tiết về Đặc Điểm Sinh Học Của Ong Apis Cerana. Ở bài viết tiếp theo này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách nuôi một đàn ong mật nội địa như thế nào nhé.

Chương II : KỸ THUẬT NUÔI ONG NỘI APIS CERANA

I. DỤNG CỤ NUÔI ONG VÀ CHỌN ĐỊA ĐIỂM NUÔI ONG:

Để bắt đầu nuôi ong, chúng ta phải biết vài điều cần thiết cơ bản. Cần phải có đầy đủ những thiết bị nuôi ong ứng với số lượng ong, xác định nguồn thức ăn cho ong, chọn một điểm đặt trại ong, và sắp xếp các thùng ong trong trại.

1. Dụng Cụ Nuôi Ong :

Có đầy đủ những trang thiết bị sẽ tránh được những trở ngại không cần thiết trong việc nuôi ong. Sau đây là những trang thiết bị sử dụng trong nuôi ong :

1.1. Thùng Ong, Khung Cầu Và Chân Thùng :

Thùng ong là cái nhà của ong. Bên trong thùng là các khung cầu. Khung cầu là bộ phận trung tâm của thùng ong vì các bánh tổ được gắn vào đó.

Chân thùng dùng nâng cao thùng lên khỏi mặt đất từ 30-50cm để tránh bị kiến, cóc tấn công và thuận tiện cho người kiểm tra đàn.

1.2. Quần Áo Bảo Hộ :

Để tránh bị ong tấn công, cần phải mặc áo dài tay, quần dài, phần cuối ống quần được cột lại bằng nịt hay dây. Không nên mặc quần áo có màu sậm bởi vì ong bị khuấy động sẽ tấn công những vùng sậm màu.

1.3. Găng Tay:

Tay tiếp xúc nhiều với ong nên dễ bị chích vì thế cần phải được bảo vệ. Găng tay được làm bằng vải hay bằng da có thể mang vào khi tiếp xúc với ong. Găng tay bằng cao su thì không thích hợp để sử dụng bởi vì chúng sẽ không thuận tiện khi bị ra mồ hôi.

1.4. Bình Phun Khói Và Nguyên Liệu Tạo Khói :

Bình phun khói được sử dụng để làm ong bớt hung dữ. Khói từ bình phun khói . thể tạm thời làm ngưng sự tiếp xúc giữa các con ong. Vỏ dừa, trấu, củi, vải, bao bì có thể sử dụng như là nguyên liệu tạo khói.

1.5. Lưới Và Nón

Đầu và mặt cần phải được bảo vệ ong tấn công bằng cách sử dụng lưới và nón. Lưới phải được làm bằng vải lưới sậm màu để người mang lưới có thể nhìn được dễ dàng. Mang lưới liên tục trong một thời gian dài có thể gây ra nhức đầu và làm mờ mắt do có màng che xung quanh đầu.

1.6. Chổi Quét Ong :

Trong khi kiểm tra quan sát cầu ong hay thu hoạch mật. Một số hay tất cả ong trên cầu phải được dũ ra. Để tránh làm mạnh, người ta sử dụng một loại chổi mềm để quét ong xuống.

1.7. Khay Cho Ong Ăn :

Có nhiều loại khay cho ong ăn mà có thể đặt vào trong thùng ong. Ví dụ như : Bình quay, màng cho ăn, khay. Mặc dù, ong lấy thức ăn từ hoa, những thức ăn phụ cũng phải được cung cấp trong những thời điểm nhất định, chẳng hạn như mùa mưa, tăng đàn trong mùa khô trước khi có mật hoa và khi thùng ong vừa được di chuyển.

1.8. Lưới Bắt Ong :

Dụng cụ này cần thiết khi bắt một đàn ong bốc bay và khi chuyển một đàn ong hoang vào trong thùng để nuôi. Nó được làm bằng một cái khung bằng dây thép và vải mỏng để dễ thông gió.

1.9. Thùng Mồi :

Thông thường, một đàn ong bốc bay sẽ tìm một nơi mới thích hợp để làm tổ sau khi bỏ tổ cũ. Thùng mồi như là thân cây dừa và những thùng cũ có thể được sử dụng như một cái bẫy hay thùng mồi.

1.10. Máy Quay Mật :

Là dụng cụ cần thiết khi thu hoạch mật. Nó có thể tách mật ra khỏi bánh tổ mà không làm hại đến bánh tổ. Ong sẽ tiếp tục đổ đầy mật vào trong những khung cầu không bị hư hại. Máy quay mật không nên làm bằng vật liệu nhựa thông thường bởi vì tính chất acid tự nhiên của mật sẽ làm mòn dần nhựa. Tất cả những dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc với mật phải được rửa sạch để tránh rỉ sét.

1.11. Lồng Nhốt Chúa :

Được làm bằng lưới thép có kích thước khoảng bằng hộp thuốc và được sử dụng để nhốt chúa tạm thời. Nó được sử dụng khi di chuyển chúa, chẳng hạn khi đàn ong cần một chúa mới, hay là có nhiều chúa trước khi chia đàn. Nó cũng được sử dụng để nhốt chúa của những đàn bốc bay. Lồng nhốt chúa có thể có những hình dạng khác nhau.

1.12. Khung Cầu Làm Chúa, Khuôn Đúc Mũ Chúa, Kim Di Trùng

1.13. Các Dụng Cụ Khác : Dao, Kềm, Búa, Nồi..

2. Xác Định Nguồn Thức Ăn :

. Mật hoa, phấn hoa, nước là những thức ăn chính của ong. Để dễ thành công trong việc nuôi ong, người ta cần phải biết rõ về những loại cây có nguồn phấn tốt, có nguồn mật tốt, cũng như những mùa ra hoa của nó bằng cách ghi nhận thời gian trổ bông. Điều này sẽ giúp đỡ nhiều trong hoạt động nuôi ong.

2.1. Xác Định Thời Gian Tạo Một Hoa Trong Năm :

Vị trí nuôi ong phải có mật hoa và phấn hoa với một mức độ tối thiểu quanh năm để đàn ong khỏi bốc bay. Phần lớn thời gian trong năm, người nuôi ong đặt các đàn ong ở đây và những giai đoạn thiếu mật ngắn, họ có thể cho ong ăn hoặc di chuyển đàn đến những nơi khác. Một số loài cây nở hoa không theo mùa nhưng không nhiều. Đa số cây đều nở hoa theo mùa.

Phương pháp để nhận biết mùa mật đã đến bằng cách quan sát hoa và những sự thay đổi trong đàn ong.

Bắt đầu mùa mật, người ta nhận thấy trong đàn có những dấu hiệu như sau:

1) Có sự tích lũy mật trong những ô lăng chứa thức ăn

2) Sáp trắng được làm tiếp theo trên mép của những bánh tổ và trên những khung cầu trống, điều này cho thấy hiện tượng xây bánh tổ mới.

3) Tốc độ xây dựng tổ nhanh hơn bình thường.

4) Mức độ hoạt động cao ở cửa tổ được nhận biết khi có nhiều ong bay ra và bay vào thùng.

5) Có mùi thơm nhiều của mật và phấn hoa ở trong thùng ong.

2.2. Phân Biệt Các Loại Cây Cung Cấp Thức Ăn Cho Ong :

Những loại cây ra hoa có thể được chia làm 3 nhóm : chỉ cho mật, chỉ cho phấn, cho cả phấn và mật.

Sau khi biết được thời gian cho mật, chúng ta cần phải biết những loại cây cho mật được ong ưa thích (phần % đường trong mật cao). Khu vực này sẽ dùng làm nơi đặt ong chính. Phải nhớ rằng không phải tất cả các loại hoa đều được ong bay đến. Vai loại cây cung cấp mật theo mùa như : Cây cam, chanh, sầu riêng, chôm chồm, chuối, cà phê, dưa hấu, dứa, ổi, nhãn, tràm, cao su.

Cây dừa thì không có mùa nhưng cung cấp nhiều mật hơn trong mùa ra hoa sau mùa khô.

Dừa cũng cung cấp nhiều phấn. Những cây cỏ dại, những cây thân bụi cũng cho phấn như cây mắc cỡ, cỏ, các loại legume, cây họ đậu và cây keo. Cây khoai mì cũng cung cấp mật khá. Các loại cây Ý ở khác có thể được tham khảo trong sách “Nuôi ong Ý ở miền Nam Việt Nam và hiệu quả kinh tế” Nhà xuất bản Nông nghiệp 1992, Phạm Thanh Bình và Nguyễn Quang Tấn.

3. Chọn Lựa Một Khu Vực Nuôi Ong :

Đàn ong tùy thuộc hoàn toàn vào phấn hoa và mật để tồn tại và sự thiếu thức ăn là lý do lớn nhất để ong bốc bay. Một khu vực đặt trại ong được lựa chọn phải có thể cung cấp thức ăn cho ong nếu không được suốt năm thì hầu như quanh năm. Khoảng cách bay có hiệu quả để ong đi tìm thức ăn chỉ có 1km. Khoảng cách xa hơn, ong sẽ tiêu hao nhiều năng lượng và sẽ làm giảm sản lượng mật trong mùa đó.

Vì thế, trại ong được đặt gần nguồn thức ăn thì khả năng thu hoạch sẽ cao hơn. Khu vực để đặt trại ong có thể phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo chất lượng phần mật của cây cung cấp cho ong.

3.1. Loại 1 :

Đây là nơi đặt ong chính. Nơi này nhiều cây nở hoa quanh năm hay là nở rất thường xuyên như dừa và cau. Phần lớn nông thôn các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang và Thuận An – Sông Bé thuộc vào loại này. Đấy là khu vực rất tốt cho việc dưỡng đàn và nhân đàn.

3.2. Loại 2 :

Vùng này chỉ có những loại cây nở hoa theo mùa như cà phê, cao su, chôm chôm, nhãn, tràm. Ngoài mùa ra hoa của các cây nói trên, ong không có hoặc có rất ít các nguồn hoa khác. Phần lớn đất các tỉnh Đồng Nai, Tây Nguyên và một số vùng cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc loại này. Đây là khu vực tốt nhất cho việc khai thác mật. Để có sản lượng mật cao người nuôi ong nên di chuyển ong đến vùng này để khai thác.

3.3. Loại 3 :

Là khu vực trung gian của 2 khu vực trên.

4. Vị Trí Đặt Thùng Ong Trong Trại Ong :

Nơi đặt thùng ong trong trại rất quan trọng để đảm bảo thể sống được trong điều kiện tốt nhất.

4.1. Trong Bóng Mát

Đặt thùng ong ở những nơi mát như dưới một gốc cây sẽ giữ cho thùng ong luôn mát mẻ. Nhiệt độ cao trong thùng ong có thể làm giảm 30-40% sản phẩm mật. Thay vì đi lấy mật, ong phải đi lấy nước để làm mát thùng ong. Nếu nhiệt độ trong tổ tiếp tục rất nóng, ong sẽ bốc bay. Điều kiện mát mẻ cũng rất cần chú ý khi đóng cửa tổ suốt ngày để di chuyển hoặc khi người làm vườn dùng thuốc trừ sâu để xịt cho cây trái.

4.2. Cạnh Nguồn Nước

Đặt những đàn ong cạnh nguồn nước để giúp ong lấy nước. Ong dùng nước pha loãng mật để ăn và để làm mát tổ trong những ngày nóng. Nếu không có những nguồn nước suối hay hồ trong nơi đặt ong, ta phải dùng một dụng cụ có chứa nước sẵn, luôn luôn đầy đủ. Đặt những cành cây con vào trong để giúp ong có thể đậu lên lấy nước mà không bị rơi xuống.

4.3. Tránh Gió Thổi Mạnh :

Gió thổi hơn 20 km/h, chẳng hạn như những vùng ven biển sẽ làm cản trở đường bay của ong. Gió mạnh cũng gây cho ong phải tiêu hao nhiều năng lượng. Gió mạnh thường có ở những đỉnh đồi, những nơi trống trải như cánh đồng lúa, những khu đất trồng rau, và những cánh đồng trống. Tất cả những nơi này không thích hợp cho việc đặt trại ong. Cần phải chọn những khu vực được che chắn và lặng gió.

4.4. Bảo Vệ Sự Tấn Công Của Kẻ Thù :

Tránh đặt thùng ở những nơi có nhiều ổ kiến đen ăn mồi sống, ong vò vẽ, và cũng tránh những lối đi của súc vật.

Định kỳ tiêu diệt những tổ côn trùng phá hoại bằng cách đốt hoặc dùng thuốc trừ sâu.

4.5. Cửa Tổ Nên Được Đặt Đối Diện Với Hướng Mặt Trời Mọc Là Tốt Nhất.

Ánh sáng buổi sáng sẽ kích thích ong thợ đi tìm thức ăn sớm đặc biệt là phấn hoa. Buổi sáng có rất nhiều bông hoa nở và tiết nhiều phấn mật.

4.6. Khoảng Cách Giữa Các Thùng Ong Và Những Hình Tượng Đặc Trưng Của Thùng.

Khoảng cách giữa các thùng ong nên lớn hơn 3m để tránh hiện tượng ong đi làm về lộn tổ và quan trọng hơn, ong chúa giao phối về vào lộn tổ. Những hình tượng đặc trưng và những màu sơn khác nhau ở phía trước tổ sẽ giúp cho ong bay về đúng tổ. Thùng ong màu trắng làm giảm sự hấp thụ sức nóng, cũng giúp tạo hình dạng đặc trưng dễ nhìn ; hoặc đặt thùng ong bên cạnh những loại cây khác nhau, những bóng mát, những cái cọc… tạo những điểm mốc để cho ong bay về.

Số lượng thùng ong trong một địa điểm nên sắp xếp cho phù hợp, ví dụ như khu vực nuôi ong loại 1 có thể thích hợp cho tối đa 50 đàn trong 1 địa điểm. Khu vực loại 2 không nên quá 100 đàn. Các đàn ong nên được đặt ở vị trí trung tâm của khu vực nguồn hoa. Khoảng cách bay càng ngắn thì sản lượng mật càng cao.

II- THÙNG NUÔI ONG NỘI ĐỊA : TIÊU CHUẨN VÀ CÁC KÍCH THƯỚC

Từ xưa đã có rất nhiều loại thùng khác nhau để nuôi ong như dùng thân cây rỗng và dùng đất sét để làm thùng. Việc sử dụng các loại thùng nói trên để nuôi ong đã gây khó khăn trong việc quản đàn. Đến giữa thế kỷ 19, những tiến bộ kỹ thuật trong ngành nuôi ong đã tìm được loại thùng nuôi ong với khung cầu di động, kiểu thùng tiến bộ này đã cải tiến việc nuôi ong châu u được tốt hơn. Sau khi ong châu u Apis mellifera được nhập vào Trung Quốc, người Trung Quốc đã ứng dụng kiểu thùng nuôi ong này vào ngành ong châu Á Apis cerana.

1. Điều Kiện Của 1 Thùng Ong Hoàn Hảo :

Một thùng ong tốt phải có được các đặc tính sau đây.

1.1. Giữ Nhiệt Độ Trong Thùng Ở 35°C

Đây là nhiệt độ thích hợp nhất cho các giai đoạn phát triển của ong. Sử dụng vách thùng dày và khả năng lưu thông gió tốt sẽ tránh được sự thay đổi nhiệt độ nhiều ở bên trong thùng ong nhiệt độ bên ngoài thay đổi. Trong điều kiện này ong sẽ điều chỉnh nhiệt độ ở 35°C để có thể sống và sản xuất mật một cách có hiệu quả.

1.2. Chịu Đựng Được Sức Gió Thổi:

Những vật liệu dùng cho việc làm thùng ong phải chịu đựng được sức gió, để bảo vệ được ong và thời gian sử dụng có thể được lâu hơn. Chân thùng và sân bay phải chắc chắn và
không thể lay khi gió thổi

1.3. Phải Thông Gió Tốt

Ẩm độ bên trong thùng ong là do hơi thở sinh ra. Với khả năng thông gió tốt bên trong thùng thì không khí sẽ được điều chỉnh một cách dễ dàng. Không khí mát sẽ được lấy từ cửa ra vào của thùng ong và từ cửa sổ của thùng. Nếu sự thông gió không tốt sẽ làm cho phần trên thùng bị ẩm ướt và hư.

1.4. Dễ Dàng Khi Di Chuyển :

Thùng ong không nên quá nặng, mà vừa phải và chắc chắn. Nó có thể được di chuyển một cách dễ dàng và không làm xáo trộn ong bên trong.

2. Kích Thước Các Bộ Phận Của Thùng Ong :

2.1. Thân Thùng :

là 1 hình hộp chữ nhật không nắp gồm có 4 mặt bên và phần đáy thùng. Toàn bộ các hoạt động của đàn ong đều xảy ra trong thân thùng, kích thước của thùng lớn nhỏ tùy theo loài và phân loài ong. Với ong A. Cerana indica ở miền Nam Việt Nam, loại thùng 7 cầu là thích hợp (tích tụ đàn lớn nhất là 7 câu). Làm thùng quá lớn (9-10 cầu) vừa lãng phí vật liệu vừa chiếm chỗ nhiều khi di chuyển.

2.2. Nắp Thùng Ong :

Nắp đậy bảo vệ đàn ong bên trong không bị nắng và mưa.

2.3. Khung Cầu :

Khung cầu là một khoảng không gian được tạo thành để cho ong xây bánh tổ. Khung cầu bao gồm : xà trên, xà dưới, 2 xà bên và một sợi dây kẽm dài. Khung cầu được cột dây kẽm để giúp cho ong xây bánh tổ dính vào đó. Khung cầu phải được làm và lắp ráp một cách chính xác để bảo đảm ong chỉ xây 1 bánh tổ trên một khung cầu.

Với ong ong nội ở miền Nam, chiều rộng của xà trên khung cầu 20mm là thích hợp. Những sai sót về số đo sẽ làm cho ong xây 2 bánh tổ trên một khung cầu hoặc là những gờ của bánh tổ được xây dính liền với những khung cầu lân cận. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc kiểm tra đàn ong.

2.4. Thùng Kế Lửng :

Hiện nay việc sử dụng thùng kế chỉ được thực hiện rải rác ở một vài trại ong Ý. Ở ong nội, thùng kế chưa được áp dụng. Trong tương lai, khi tiêu chuẩn chất lượng mật được đề ra, việc sử dụng thùng kế cho ong nội địa sẽ được nghiên cứu. Ở ong nội, sử dụng thùng kế lửng là thích hợp.

Thùng kế lưng giống như một thùng ong chỉ khác là nó không có đáy và độ cao chỉ bằng 1/2.

Khung cầu chứa mật được sắp xếp bên trong thùng này. Nó được chồng lên thùng chính trong suốt mùa mật. Cầu của nó chứa mật không lẫn ấu trùng. Nó sẽ được lấy ra khỏi thùng ong khi hết mùa mật.

2.5. Ván Ngăn :

Ván ngăn được đặt bên cạnh cầu ngoài cùng để hạn chế không gian cho đàn ong, giúp đàn ong điều hòa nhiệt dễ dàng hơn.

3. Khái Niệm Về “Không Gian Con Ong” Bee Space :

Khi sắp xếp các khung cầu trong thùng ong, cần phải để một khoảng cách giữa khung cầu và vách thùng sao cho vừa một con ong đi lọt. Đó là “không gian con ong” : Bee Space. Khoảng không gian này rộng vừa bằng ngực của 1 con ong. Giữa 2 khung cầu liền nhau, khoảng cách phải vừa đủ cho 2 con ong đi lọt tức là 2 Bee Space.

Khi những khoảng trống này quá lớn hoặc quá nhỏ, ong thợ sẽ xây thêm những cầu phụ gây ra hiện tượng nối liền hay dính 2 bánh tổ lại với nhau. Khi thiết kế khung cầu, không gian con ong Bee space phải được lưu ý. Khi kiểm tra đàn ong xong, trước khi đậy nắp lại, các cầu ong phải được sắp xếp lại với nhau theo đúng Bee space.

Chúng tôi đã gặp nhiều người nuôi ong sử dụng khung cầu với bề rộng xà trên quá lớn. Vì vậy ong thợ thường xây các cầu phụ (lưỡi mèo) làm dính 2 khung cầu lại với nhau. Khi nhấc cầu lên, để kiểm tra đàn, bánh tổ bị xé rách và ong thợ trở nên hung dữ.

Trường hợp 2 khung cầu bị dồn lại quá gần việc đi lại của ông bị trở ngại hiện tượng xây dính cũng xảy ra hoặc bánh tổ bị cắt bỏ.

Một số quan sát cho thấy rằng khi khoảng cách giữa 2 khung cầu quá lớn, ong điều hòa nhiệt độ khó khăn hơn, đàn ong dễ bị bệnh, năng suất mật kém hơn bình thường. Một vài người nuôi ong muốn để khoảng cách giữa 2 khung cầu rộng để phân mật phía trên cao lên, điều này không chính đáng.

III. – BẮT MỘT ĐÀN ONG HOANG :

Để bắt đầu nuôi ong, chúng ta phải có được đàn ong. Có 2 cách để có ong

– Cách 1 : Bắt 1 đàn ong hoang.

– Cách 2 : Mua ong từ những người đã nuôi ong..

1. Tìm Kiếm Và Xác Định Vị Trí Của Tổ Ong Hoang

Để tìm được một tổ ong hoang, điều cần thiết là phải có sự nhận thức tốt và tỉ mỉ đối với khu vực xung quanh.

Người đi thăm dò phải xem xét những loại hoa khác nhau vào buổi sáng. Ở thời điểm này, chính mật hoa và phấn hoa hấp dẫn ong bay đến.

Người nuôi ong có thể quan sát hướng con ong bay trở về tổ. Sự ước đoán này có thể định được vị trí của tổ ong.

Ong thường đi lấy nước vào khoảng giữa trưa từ 1 – 3h chúng ta cũng có thể quan sát hướng bay về của chúng.

Ong hoang thường làm tổ ở những nơi kín đáo và tránh kẻ thù tấn công như ở trong thân cây rỗng, trên chóp của những mái nhà bỏ hoang, trong thân cây dừa và các hũ sành bị vỡ.

2. Chuyển Một Đàn Ong Hoang Vào Thùng Nuôi

Khi đã tìm thấy được đàn ong hoang, cần phải chuẩn bị cẩn thận để bắt chứng. Sau đây là những nguyên tắc hướng dẫn khi bắt một đàn ong hoang.

2.1. Mặc Đầy Đủ Các Quần Áo Bảo

Các loại quần áo bảo hộ như là : nón, lưới, găng tay và áo quần dài phải được mặc trong suốt thời gian bắt ong.

2.2. Phải Có Đầy Đủ Các Dụng Cụ Cần Thiết.

Những dụng cụ cần thiết khi bắt ong là : bình phun khói, nguyên liệu để đốt, lưới bắt ong, thùng ong trống, dao, lồng nhốt chúa, bình xịt nước, tờ giấy báo và một vài sợi dây nylon màu trắng. Trong lúc chuyển ong vào thùng, nếu dụng cụ không đầy đủ, thì khó có thể chuyển ong vào thùng được.

2.3. Dọn Sạch Những Vùng Xung Quanh Tổ Ong

Những vùng xung quanh tổ ong phải được dọn sạch sẽ để dễ tìm kiếm ong chúa khi bị rơi xuống trong khi bắt ong.

Quan sát và đếm số bánh tổ có trong tổ ong. Điều này để bảo đảm thùng ong có số lượng khung cầu giống như tổ cũ của chúng.

2.5. Treo Lưới Hay Hộp Bắt Ong

Khi cầu bị cắt và lấy ra ngoài, ong sẽ bò ra và bay tụ lại lên phía trên. Vì vậy, lưới (hoặc hộp hoặc nón) nên được treo trực tiếp ở phía trên.

Dùng tay hốt một số ong bỏ vào bên trong lưới để hấp dẫn những ong khác tụ vào đó.

2.6. Cắt Bánh Tổ Và Cột Vào Khung Cầu.

Công việc sẽ dễ dàng hơn nếu có 2 người. Một người cắt bánh tổ còn người kia gắn và cột bánh tổ và khung cầu. Dùng dây nylon để cột và sau đó đặt khung cầu vào thùng, khi đã có nhiều ong bám vào bánh tổ ở trong thùng, những ong ở bên ngoài sẽ tập trung vào đó.

Khi làm việc nên để mắt tìm chúa. Nên đặt ngay khung cầu có chúa vào trong thùng, như vậy ong thợ bên ngoài sẽ bị hấp dẫn và tụ vào thùng nhanh hơn.

Chúng ta cũng có thể bắt chúa và nhốt vào lồng. Đặt lồng chúa vào trong thùng, ong thợ sẽ bị hấp dẫn và tụ vào đó.

Trong trường hợp không thấy ong chúa, quan sát xem ong tụ vào đâu nhiều nhất, ong chúa sẽ ở đó. Dùng tay hốt đám ong này bỏ vào thùng, hy vọng ong chúa sẽ vào trong thùng.
Trường hợp đa số ong thợ tụ vào bên trong thùng, có thể yên tâm ong chúa đã ở bên trong.

Trường hợp đa số ong thợ tụ vào trong lưới, ong chúa có thể ở trong lưới.

Tóm lại, sau khi đã cắt các bánh tổ, gắn lên khung cầu và đặt vào thùng. Đợi khoảng nửa giờ sau, nếu thấy đa số ong thợ bay vào trong thùng thì có thể chắc chắn ong chúa đã ở bên trong.

Các khung cầu nên được đặt vào thùng theo đúng thứ tự các bánh tổ của đàn ong hoang trước đó. Khi gắn bánh tổ vào khung cầu, phần chứa mật phải nằm phía trên.

2.7. Mang Đàn Ong Về

Sau khi đàn ong đã vào hết trong thùng, mang về nhà và đặt ở vị trí thuận lợi. Nếu trong đàn có ít mật, nên cho ăn đường trong 3 ngày đầu.

BẮT MỘT ĐÀN ONG BỐC BAY HOẶC CHIA ĐÀN

Đàn ong bốc bay hoặc chia đàn là một đàn ong không có bánh tổ, chúng thường bám tạm thời trên một cành cây trước khi di chuyển đi nơi khác.

Cách bắt 1 : Đặt lưới bắt ong (hoặc hộp, hoặc nón) ở phía trên chỗ đàn ong bám. Rung cành cây hoặc xịt khói, xịt nước lên đàn ong, ong sẽ bay hoặc bò vào lưới. Mang về nhà chờ đến chiều tối cho ong bám vào một cầu có nhiều phấn, mật, ấu trùng và đặt vào thùng.

Cách bắt 2 : Nếu đàn ong bám vào cành cây cao, nên cột một cầu ong nhiều mật vào cây sào dài. Đặt cầu bên cạnh đàn ong rồi rung cành cây. Ong sẽ bám lên cầu. Khi phần lớn ong đã bám vào cầu, có thể ong chúa đã ở trong đó. Lấy cầu ong xuống, đặt vào thùng ở dưới đất. Một lát sau ong thợ sẽ bay vào thùng theo chúa.

IV. – QUẢN LÝ ONG

1. Kiểm Tra Đàn Ong

Khi kiểm tra nên đứng phía bên hông thùng. Thao tác phải nhẹ nhàng, những động tác đột ngột thường làm ong hoảng sợ và chích. Trường hợp không cần thiết, không nên kiểm tra vào những ngày âm u, mưa bão, vì lúc đó ong rất dữ. Khi bị ong chích nên dùng móng tay cạy túi nọc ra và rửa chỗ ong chích bằng nước sạch bởi vì mùi nọc sẽ kích thích những ong khác trở nên hung dữ. Ong rất nhạy với mùi.

Mùi rượu, mùi nước hoa, mùi xà bông thơm thường dễ làm ong chích. Với những người nuôi chuyên nghiệp nên sử dụng bình phun khói. Khói làm cho ong hiền hơn và người nuôi ong làm việc nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Kiểm tra đàn ong gồm những nội dung sau :

a) Tìm xem chúa còn hay mất ?

Nếu không thấy chúa cũng chưa vội kết luận là mất chúa, nên kiểm tra trong đàn có trứng hay không ? Nếu có trứng, có thể yên tâm là còn chúa. Nếu không thấy trứng, không thấy ấu trùng thì chúa đã mất hoặc chúa ngưng đẻ vì một lý do nào đó. Nếu thấy mũ chúa cấp tạo hoặc hiện tượng ong thợ đẻ trứng thì kết luận đàn ong bị mất chúa.

b) Tình hình dự trữ thức ăn trong đàn để cho ăn hoặc khai thác và dự định ngày khai thác.

c) Tình trạng nuôi dưỡng ấu trùng tốt hay xấu. Nếu tốt ấu trùng có màu trắng bóng có ánh xanh và nằm trong một lớp sữa nhiều. Nếu xấu, ấu trùng khô và màu trắng đục. Trong trường hợp quá xấu, nhìn vào cầu ấu trùng sẽ thấy nhiều ô lăng trống bởi vì ấu trùng đã bị ong thợ ăn đi.

d) Số quân ong phủ trên cầu để tăng thêm hoặc loại bớt cầu.

e) Sự xuất hiện mũ chúa tự nhiên để ngăn chặn sự chia đàn.

f) Tình hình bệnh tật của đàn ong để kịp thời xử lý.

2. Cho Ong Ăn :

a) Cho ong ăn phấn : Lúc nguồn hoa bên ngoài khan hiếm hoặc những ngày mưa bão kéo dài, cần phải cho ong ăn phấn nhân tạo.

Bảng 3 là hai hỗn hợp thức ăn phấn nhân tạo đã được nghiên cứu (Tạ Thành Cấu, 1984) :

Bảng 3 : Thành phần thức ăn phấn nhân tạo cho ong:

Phấn nhân tạo được cho ăn bằng cách ngâm trong nước đường, đánh nhuyễn thành dạng hồ nhão và trét lên xà cầu. Có thể rắc thẳng hỗn hợp khô vào cầu phấn rồi rưới lên một lớp siro đường.

b) Cho ong ăn đường : Cho ong ăn đường khi nguồn mật bên ngoài thiểu hoặc khi muốn bồi dưỡng cho đàn ong mạnh lên hoặc khi muốn dùng siro đường để cung cấp thuốc cho ong. Đường cát vàng nên được sử dụng. Những loại đường đen, đường thùng thường không đủ chất lượng. Đường cát được hòa với nước theo tỷ lệ 1kg đường/1 lít nước. Tỷ lệ này sẽ tạo ra dung dịch đường 70%, đây là nồng độ ong thích nhất.

Khi cho ăn để kích thích hoặc khi thời tiết khô hanh thì cho nước nhiều hơn : 1kg đường/2 lít nước. Siro đường được rót vào đĩa hoặc máng và đặt lên trên xà cầu hoặc trên ván đáy thùng. Cho vào đĩa một vài cọng cây khô hoặc lá để ong khỏi bị chết đuối. Nên cho ong ăn lúc chiều tối để tránh hiện tượng cướp mật gây đánh nhau giữa các đàn ong và tận dụng khả năng làm việc của ong trong ngày. Khi cho ăn tránh làm rơi vãi nước đường, vừa lãng phí, vừa hấp dẫn kiến và dễ gây hiện tượng đánh nhau giữa các đàn.

3. Giới Thiệu Chúa Vào Một Đàn Ông :

Giới thiệu chúa cho một đàn ong khi đàn này bị mất chúa hoặc khi cần thay thế con chúa xấu. Trước tiên đàn ong nên được cách ly chúa ít nhất một ngày để tạo cảm giác mất chúa. Ong chúa mới được nhốt trong lồng và được đưa vào trong đàn ong.

2 – 3 ngày sau kiểm tra xem ong chúa có bị ong thợ bao vây không ? Nếu không có thể thả chúa ra một cách an toàn.

4. Nhập Đàn :

Người nuôi ong cần nhập đàn trong những trường hợp sau :

– Nhập 2 đàn ong yếu để tạo ra một đàn ong mạnh.

– Nhập 1 đàn ong bị mất chúa vào 1 đàn ong có chúa.

– Nhập 2 hay 3 đàn ong mạnh với nhau khi vào mùa khai thác.

Mỗi đàn ong có một mùi đặc trưng. Vì vậy nhập các đàn ong – với nhau không đúng kỹ thuật sẽ gây ra hiện tượng đánh nhau giữa ong thợ của 2 đàn và hiện tượng ong chúa bị ong thợ của đàn kia giết chết.

Thông thường, người ta nhập một đàn ong yếu vào trong một đàn ong mạnh hoặc nhập đàn ong mất chúa vào trong một đàn ong có chúa. Đàn ông yếu (hoặc đàn ong mất chúa) gọi là đàn bị nhập và đàn mạnh (hay đàn có chúa) là đàn được nhập.

Trước khi nhập khoảng vài ngày nên cho 2 đàn ăn siro đường. Trước hết chọn con chúa tốt để giữ lại, con chúa kia bị giết đi trước khi nhập 1 ngày. Làm như vậy ong thợ của 1 đàn sẽ có cảm giác mất chúa và việc nhập đàn sẽ dễ dàng hơn. Để đảm bảo an toàn, ong chúa phải được nhốt trong lồng. Đến chiều tối thì bắt đầu nhập bằng các phương pháp sau :

Phương pháp 1 : Đặt các cầu của đàn bị nhập vào sát vách thùng phía bên kia của đàn được nhập, sau đó cứ mỗi giờ một lần nhích những cầu này lại gần đàn được nhập (nhích 3 lần). Làm như vậy mùi của 2 đàn sẽ hòa nhập với nhau từ từ và ong thợ sẽ không đánh nhau. Sáng hôm sau kiểm tra và thả ong chúa ra.

Phương pháp 2 : Làm tương tự nhưng nhanh hơn bằng cách sử dụng nước hoặc những chất có mùi mạnh như dầu hôi, dầu chuối hoặc khói thuốc lá phun vào 2 đàn hoặc vò nát lá chanh trong tay rồi bỏ vào thùng. Những chất này sẽ lấn át mùi của 2 đàn ong.

Phương pháp 3 : Làm tương tự nhưng giữa 2 đàn ong được ngăn cách bởi một tờ báo. Ong thợ của 2 đàn sẽ cùng nhau cắn rách tờ báo và sau khi tờ báo bị cắn rách thì mùi của 2 đàn đó đã lẫn vào nhau và hòa nhập với nhau dễ dàng.

5. Bổ Sung Cầu Cho 1 Đàn Ong Yếu :

Có thể làm mạnh đàn ong yếu bằng cách bổ sung cho nó một cầu nhộng lấy từ đàn khác, ong non nở ra sẽ làm cho đàn đông quân và mạnh hơn.

Với đàn ong yếu và thiếu thức ăn thì bổ sung cho nó một cầu chứa nhiều phấn và mật.

6. Di Chuyển Đàn Ong:

Con ong bao giờ cũng bay về đúng vị trí mà nó đã định hướng trong những lần bay đầu tiên. Vì vậy nếu di chuyển đàn ong phải đi xa tối thiểu 5km, lúc đó con ong sẽ xác định lại vị trí mới của nó.

Trường hợp vị trí đặt thùng ong không thích hợp và phải di chuyển nó trong phạm vi vài mét, người nuôi ong cần phải xê dịch từ từ mỗi ngày chừng nửa mét. Nếu muốn đổi hướng của tổ cũng phải làm tương tự như vậy tức là mỗi ngày xê dịch chừng 30° so với hướng ban đầu.

Khi di chuyển ong, phải chêm các cầu cho thật chặt để các cầu không xê dịch trong lúc di chuyển. Khung cầu xê dịch sẽ đè chết ong thợ, ong chúa và làm hư bánh tổ. Nên di chuyển vào ban đêm, chờ ong về tổ hết rồi đóng cửa tổ, mở cửa sổ thùng, cột chặt nắp và chở đi.

Trường hợp phải di chuyển ban ngày, người nuôi ong cần đóng của tổ từ đêm trước.

7. Tạo Chúa :

a) Các trường hợp ra đời của ong chúa :

Chúa chia đàn tự nhiên : Khi thời tiết thuận lợi, nguồn hoa phong phú, đàn ong xuất hiện khoảng 5 – 10 mũ chúa ở mép hoặc rìa bánh tổ. Đó là những mũ chúa chia đàn tự nhiên. Ong chúa nở ra từ những mũ chúa này thường có chất lượng tốt vì phù hợp với bản năng sinh sản tự nhiên của đàn.

Chúa cấp tạo : Nếu ong chúa trong đàn bị chết hoặc mất đột ngột thì ong thợ sẽ sửa một số ở lăng ong thợ và bồi dưỡng những ấu trùng ong thợ này thành chúa. Ong chúa nở ra từ những mũ chúa này có chất lượng xấu vì không được bồi dưỡng ngay từ đầu.

Chúa thay thế tự nhiên : Trường hợp chúa trong đàn quá già hoặc bị bệnh, bị thương tật, đàn ong sẽ tạo chúa mới để thay thế, các mũ chúa này cũng ở mép hoặc rìa bánh tổ: Chúa tạo ra trong trường hợp này cũng có chất lượng tốt.

Chúa nhân tạo : Do người nuôi tạo ra để thay thế những chúa già, chúa xấu hoặc chủ động chia đàn. Chúa được tạo ra có chất lượng cao nhờ chọn lọc từ đàn giống tốt và nuôi dưỡng tốt. Tạo chúa nhân tạo sẽ có nhiều chúa tốt trong một thời gian ngắn và vì vậy tốc độ nhân đàn nhanh hơn.

b) Các tiêu chuẩn của một đàn ong giống :

Đàn ong giống là những đàn ong cung cấp ấu trùng để tạo chúa (đàn mẹ) hoặc cung cấp ong đực để giao phối với chúa tơ sau này (đàn cha). Đàn ong giống phải có những đặc điểm sau :

– Năng suất mật cao.

– Chúa đẻ tốt.

– Kháng bệnh tốt.

– Tính hợp đàn cao (ong nội địa 5 cầu trở lên).

– Hiền lành.

– Không bốc bay hoặc chia đàn.

Cả đàn mẹ và đàn cha đều đóng góp những yếu tố di truyền cho con, cháu sau này. Vì vậy ngoài việc chọn đàn mẹ tốt cung cấp ấu trùng một ngày tuổi còn phải chọn đàn cha và kích thích nó tạo ra nhiều ong đực.

Để đề phòng trường hợp ong chúa tơ giao phối với anh em trai ng chúa tơ giao n của nó, những ong đực của đàn mẹ phải bị giết đi hoặc không cho ra đời. Để tránh trường hợp ong chúa tơ giao phối với ong đực của những đàn không chọn lọc, ong đực ở những đàn đó cũng phải bị giết đi. Để tránh hiện tượng đồng huyết, người nuôi ong phải thường xuyên thay đổi đàn làm giống hoặc trao đổi giống với những người nuôi ong khác.

c) Phương pháp tạo chúa không di ấu trùng :

+ Lấy ong chúa đang đẻ khỏi đàn ong. Ong thợ thấy mất chúa sẽ tạo ra những mũ chúa cấp tạo để thay thế. Để tạo ra nhiều mũ chúa hơn và dễ dàng hơn nên dùng dao cắt phía dưới cầu ong theo hình zic zac.

+ Bồi dưỡng cho một đàn ong phát triển mạnh để sau đó tạo ra nhiều mũ chúa chia đàn tự nhiên.

Khi những mũ chúa này vít nắp thì cắt ra và gắn vào những đàn không có chúa.

Tuy nhiên, những phương pháp nêu trên chỉ nên áp dụng cho những người nuôi ong với quy mô nhỏ.

d) Tạo chúa bằng phương pháp di ấu trùng :

Đầu tiên đúc những chén sáp (hoặc dùng chén nhựa) có hình dạng và kích thước giống như mũ chúa tự nhiên. Gắn các chén sáp này vào khung cầu làm chúa.

Đặt khung cầu này vào trong một đàn ong không có chúa khoảng nửa ngày để ong thợ sửa sang lại. Sau đó di ấu trùng 1 ngày tuổi vào các chén sáp. Khi di ấu trùng nên luồn kim và múc dưới lớp sữa bao quanh ấu trùng, nên múc phía lưng và tránh làm tổn thương ấu trùng. 24 giờ sau kiểm tra xem tỷ lệ tiếp thu là bao nhiêu.

Nếu tỷ lệ tiếp thu thấp thì nên tiếp tục di thêm cho đủ số mũ chúa cần dùng. Khoảng 11 – 12 ngày sau ong chúa tơ sẽ ra đời. Vì vậy cần phải tách mũ chúa từ ngày thứ 10 để gắn vào các đàn giao phối. Khi cắt mũ chúa ra khỏi khung cầu làm chúa, phải nhẹ tay và tránh cầm ngược mũ chúa.

Đàn tiếp thu và nuôi dưỡng những mũ chúa nhân tạo như trên gọi là đàn nuôi dưỡng (Đó là những đàn mạnh, đông quân, nhiều ong non, phấn mật dồi dào và không bị bệnh).

8. Kỹ Thuật Chia Đàn :

a) Chia song song : Từ 1 đàn ong mạnh tạo ra 2 đàn ở kề nhau: 1 đàn có ong chúa cũ và 1 đàn có mũ chúa hoặc chúa mới. Ong thợ của đàn cũ sẽ chia đều sang 2 đàn mới. Tuy nhiên nếu số lượng ong thợ vào 2 bên không đều nhau, có thể di chuyển vị trí 2 thùng cho thích hợp hoặc chuyển ong từ đàn đông sang đàn thưa hoặc chuyển cầu từ đàn thưa sang đàn đông.

b) Chia cách xa : Từ 1 đàn chia thành 2 đàn ở cách xa nhau. Một đàn ở vị trí cũ có ong chúa cũ, ong thợ già và các cầu trứng, ấu trùng. Đàn kia (ở cách đó vài mét đến vài chục mét) có mũ chúa (hoặc chúa mới), các cầu nhộng và ong non (bởi vì tất cả các già đều bay về vị trí cũ).

c) Chia dời trại : Để tránh trường hợp ong thợ già bay về vị trí cũ, chia 1 đàn thành 2 đàn ở cách xa nhau tối thiểu 2 km.

9. Gắn Tầng Chân Và Cho Ong Xây Tầng :

Xây tổ là bản năng phát triển tự nhiên của con ong. Tuy nhiên nếu để đàn ong tự xây thì ong thợ phải tốn nhiều công, nhiều sáp. Vì vậy để nâng cao hiệu quả nuôi ong, việc sử dụng tầng chân là cần thiết.

Tầng chân là một miếng sáp mỏng có nền là những ô lăng hình lục giác giống như lỗ tổ ong tự nhiên. Con ong không phải xây tổ từ đầu mà chỉ xây từ những nền ô lăng có sẵn của tầng chân.

Sử dụng tầng chân còn có lợi ở chỗ các bánh tổ trong đàn đều thẳng và vuông vức, giúp người nuôi ong thuận tiện trong việc kiểm tra chúa và kiểm tra đàn.

a) Gắn tầng chân vào khung cầu .

– Lấy dây thép cắt thành đoạn có số đo bằng : 3 lần chiều dài cầu + 1 lần chiều ngang cầu rồi vuốt thật thẳng.

– Luồn dây thép vào 3 hàng lỗ của 2 xà bên khung cầu.

– Buộc vào khung cầu phía gần xà cầu dưới trước, lấy dụng cụ hay móng tay cái ấn khít nút buộc.

– Quấn dây thép ở đầu dây phía gần xà cầu trên để cầu không vênh, méo ; vừa cuộn dây từ từ vừa vuốt cho dây thẳng và căng. Tránh để dây thép lún vào xà bên khung cầu, cuộn dây cho đến khi dây thép căng đều cả 3 hàng dây mới buộc nút xoắn 3-4 vòng rồi ấn khít vào khung cầu. Như vậy, ta được một khung cầu đã căng dây thép đạt tiêu chuẩn.

– Lấy tấm chân tầng để lên ghế gắn (ghế được thấm nước ướt để tăng chân khỏi dính vào ghế), rồi đặt khung cầu đã căng dây thép đè lên tấm chân tầng trên ghế gắn sao cho thật khít với xà cầu trên và cách đều 3 mặt còn lại.

– Dùng mỏ hàn nóng từ từ đè lên dây thép. Nhiệt độ mỏ hàn truyền sang dây thép làm sáp nóng chảy vùi dây thép vào tấm chân tầng.

– Dùng thước cũ vuốt cho thẳng cách đều hai bên chân tầng với xà cầu trên, dùng sáp nóng chảy trong ấm rót vào để hàn chân tầng với xà cầu trên cho vững chắc.

Làm như vậy ta được khung cầu đã gắn chân tầng ngay ngắn, chắc chắn, đạt tiêu chuẩn.

b) Cho ong xây bánh tổ

Do nhu cầu cấp bách về bánh tổ để nhân giống nên việc cho ong xây bánh tổ là một biện pháp kỹ thuật cần thiết. Chỉ ong thợ non ở độ tuổi 12 – 18 ngày tuổi là tiết sáp tốt nhất (không phải ong thợ ở lứa tuổi nào cũng tiết sáp). Khi xây bánh tổ, đàn ong phải có nhiều ong non, chúa đẻ khỏe và thức ăn đầy đủ.

Người ta có thể cho cả đàn nhỏ và đàn lớn xây bánh tổ :

Đàn nhỏ xây bánh tổ : Đàn ong mới phát triển hoặc những đàn mới nhân giống ra thường có yêu cầu xây bánh tổ để phát triển.

Ta cho xây bằng cách cho tầng chân vào giữa hai bánh tổ và cho ong ăn bổ sung.

* Tạo đàn chuyên xây bánh tổ : Người nuôi cần có biện pháp tạo đàn chuyên xây bánh tổ để kịp có bánh tổ nhân giống thay bánh tổ cũ. Tạo đàn ong chuyên xây cầu bằng cách : Viện trợ cho đàn ong (có chúa non đẻ khỏe ; thiếu lỗ đẻ trứng) nhiều cầu nhộng sắp nở, nhập ong non : rút bớt cầu ; tạo thế chật chội gây nóng bức, cho ong ăn bổ sung đầy đủ. Khi chuẩn bị được đàn ong như vậy tiến hành cho ong xây bánh tổ liên tục, ong xây gần xong (70-80%) thì rút bánh tổ này đi để đàn khác xây hoàn chỉnh. Còn đàn này sẽ xây tiếp bánh tổ mới. Đối với những đàn ong này cần thường xuyên cho ăn đủ và nhập ong non bổ sung.

Chú ý khi cho ong xây bánh tổ :

– Khi cho chân tầng vào để ong xây bánh tổ phải đặt vào giữa 2 bánh tổ đủ kích thước vuông vắn, có đủ thức ăn và con (ấu trùng, nhộng) nhưng chủ yếu là nhộng.

– Không cho đàn ong yếu (thưa quân) xây bánh tổ.

Sau khi đặt chân tầng 2 – 3 ngày, nếu thấy hiện tượng không xây tầng thì cần rút chân tầng chuyển cho đàn khác, nếu không tầng chân sẽ thành vách ngăn ngăn cách đàn ong thành hai đàn và gây hiện tượng ong thợ đẻ trứng hoặc xây mũ chúa cấp tạo.

10. Khai Thác Mật

a) Nguồn gốc : Mật ong là thức ăn cung cấp năng lượng cho ong. Mật ong có nguồn gốc từ hoa, lá, hoặc các chất tiết của một số loài côn trùng. Thành phần chính của mật hoa là nước 40 – 80% và các loại đường, đa số là đường đôi saccharose. Trong khi đó mật ong có thành phần chính là đường, tỷ lệ nước chỉ có 16 – 21%. Đường trong mật ong chủ yếu là đường đơn Glucose và Fructose.

Để làm ra 1 kg mật ong, con ong phải thu thập 4 – 5 kg mật hoa, phải bay tới hàng triệu bông hoa.

Một số loại mật có nguồn gốc từ hoa : Dừa, cà phê, chôm chôm, vải, nhãn, bạch đàn, tràm…

Một số khác có nguồn gốc từ lá : Cao su, đay

b) Thành phần :

– Nước 16 – 21%, riêng với ong châu Á Apis cerana có thể chấp nhận 24%.

– Đường 75 – 80%, trong đó Fructose 35%, Glucose 35% và Saccharose nhỏ hơn 5%.

Các chất khác : men, vitamin, khoáng…

Màu sắc mật ong tùy thuộc vào nguồn gốc của mật, thời điểm thu hoạch và thời gian bảo quản. Mật cúc, mật cao su màu sậm, mật nhãn màu vàng tươi, mật dừa màu hổ phách. Mật cao su đầu mùa có màu vàng sáng nhưng cuối mùa có màu vàng sậm. Mật bảo quản lâu sẽ trở nên sậm màu.

Mùi vị mật ong tùy thuộc vào nguồn gốc mật và giống ong. Nhìn chung mật từ hoa có mùi thơm ngon hơn mật từ lá, và cũng một nguồn hoa, mật do ong A. cerana thu hoạch có mùi vị thơm ngon hơn mật ong Ý A. mellifera.

c) Các biện pháp để tăng năng suất mật :

Năng suất mật phụ thuộc vào chất lượng đàn ong, cây nguồn mật, thời tiết và kỹ thuật khai thác mật. Đàn ong mạnh, đông quân, số ong thợ ở lứa tuổi làm việc nhiều thì năng suất cao. Nếu nguồn mật rải rác và kéo dài thì vừa đánh mật vừa giữ cầu, nhưng nếu mùa mật rộ và ngắn thì lên kế hoặc nhốt chúa sẽ tăng năng suất. Cơ sở của việc nhốt chúa hoặc lên kế là :

Ong thợ không còn bận bịu với công việc ủ ấm và nuôi ấu trùng nữa nên tập trung cho việc thu hoạch mật.

– Đàn ong có nhiều ô lăng trống để chứa mật.

Sau đây là kinh nghiệm về một cách nhốt chúa để đánh mật.

Mùa mật cao su ở phía Nam thường kết thúc vào cuối tháng 4. Như vậy những trứng được đẻ ra từ cuối tháng 3 sẽ không có ích lợi gì cho người nuôi ong (bởi vì thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành là 20,5 ngày và sau đó ong thợ cần tối thiểu 9,5 ngày nữa mới bắt đầu đi thu hoạch mật). Chính vì vậy ở cuối tháng 3 nên nhốt chúa đề đàn ong tập trung vào việc khai thác mật.

Nếu còn khai thác chôm chôm, mật nhãn thì nên nhốt chúa ở đầu mùa nhãn.

d) Khai thác mật ong :

Khai thác mật ong bằng cách sử dụng thùng ly tâm. Lực ly tâm làm mật văng ra ngoài còn phấn hoa và ấu trùng vẫn còn bên trong lỗ tổ. Chỉ nên khai thác mật đã chín (hơn 70% số lỗ tổ mật được vít nắp). Để tránh hiện tượng ong cướp mật của nhau và ong bay vào thùng quay mật, việc khai thác nên được làm nhanh và thùng quay nên đặt vào trong mùng. Mật ong phải được lọc sạch và chứa trong các vật dụng kín. Nếu không, mật sẽ hút ẩm làm tăng thủy phần và lên men.

Trường hợp muốn thu hoạch mật nhưng không có thùng quay ly tâm có thể dùng dao cắt phần mật rồi băm thật nhỏ sau đó đặt lên miếng vải lưới.

Sau một đêm mật sẽ chảy xuống gần như hoàn toàn. Nếu dùng tay vắt bánh tổ thì không hợp vệ sinh mà mật còn chảy ra ít bởi vì chính tay người vắt đã bóp kín miệng ô lăng rồi.
e) Hiện tượng mật kết tinh và phương pháp xử lý :

Mật sau một thời gian bảo quản sẽ có hiện tượng kết tinh làm giảm chất lượng mật ong. Ở một số nước, mật kết tinh còn được ưa thích vì dễ sử dụng và vận chuyển. Mật dễ kết tinh khi ở nhiệt độ 14 – 24°C và khi có một số tác nhân kết tinh trong mật ong.

Để biến mật kết tinh trở lại tinh thường, người ta đưa nhiệt độ mật lên 40°C trong 2 ngày hoặc 58 – 60°C trong 2 giờ, lúc đó đường glucose sẽ trở lại trạng thái hòa tan. Nếu nhiệt độ cao hơn hoặc thời gian lâu hơn chất lượng của mật sẽ biến đổi, men và vitamin bị phân hủy, hàm lượng HMF tăng cao.

f) Kiểm tra chất lượng mật ong

Sau đây là một vài tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng mật :

– Màu sắc mùi vị : Loại mật nào phải có màu sắc và mùi vị của loại mật đó. Một số người thích mật có màu sẫm nhưng một số người khác thích mật có màu sáng. Nhìn chung những loại mật có mùi thơm và màu sáng thường được ưa chuộng. Đôi khi qua màu sắc của mật có thể xác định được thời gian bảo quản và cách sơ chế mật vì bảo quản lâu và đun nóng thì mật sẽ trở nên sậm màu.

– Hàm lượng nước : Mật tiêu chuẩn phải có hàm lượng nước nhỏ hơn 22%. Nếu cao hơn tỷ lệ này, mật sẽ bị lên men và hư. Tuy nhiên với mật ong A. cerana một số khách hàng Đài Loan, Nhật chấp nhận hàm lượng nước 24%.

. HMF (hydroxy methyl furfural): Đây là một chất độc được tạo ra từ từ trong quá trình bảo quản và được tạo ra nhanh khi mật bị đun nóng. HMF là sản phẩm của sự phân hủy đường fructose trong mật :

Hàm lượng HMF cho phép trong mật ong là 40 ppm (part per million), tức là 40 mg/kg mật.

– Men : Mật ong là một loại thực phẩm rất giàu các men tiêu hóa. Người ta không thể kiểm tra tất cả các men có trong mật mà chi kiểm tra một loại men tiêu biểu, đó là diastase (hay amylase). Men này xúc tác các phản ứng cắt đứt tinh bột và các oxit thành đường đôi.

– Các tạp chất : Một số loại mật có thể chứa các tạp chất như phấn hoa, sáp, xác ong và bụi đất… Những chất này sẽ làm giảm đi giá trị của mật.

11. Khai Thác Sáp Ong :

Sáp ong được thu hoạch từ 3 nguồn :

– Lưỡi mèo

– Nắp vít lỗ tổ mật

– Khung cầu cũ.

Lưỡi mèo và sáp nắp vít lỗ tổ mật được xem như là sáp nguyên chất. Vì vậy, việc thu hoạch được thực hiện đơn giản, chỉ cần nấu với nước cho sáp nóng chảy sau đó đổ vào khuôn (khuôn đã được bôi xà bông trước). Đợi khi sáp nguội thì lấy ra khỏi khuôn.

Với sáp từ khung cầu cũ, việc thu hoạch hơi khó hơn vì bánh tổ có chứa nhiều vỏ kén.

Vì vậy sau khi nấu, cần phải ép thì sáp mới chảy ra hết

– Trong việc nuôi ong, có những lúc người nuôi ong loại bỏ các khung cầu cũ. Nếu số lượng bánh tổ nhiều, người ta nấu và ép. Tuy nhiên, nếu số lượng ít không đáng cho một lần nấu (vài cầu trở lại) ; người nuôi ong thường vứt bỏ hoặc để mặc cho sâu sáp (bánh ong nội bị sâu sáp ăn rất nhanh so với bánh tổ ong Ý).

Vì vậy, người nuôi ong nên có 1 cái thùng đựng sáp vụn. Thùng này nên đặt vào chỗ nắng. Những mẫu cầu vụn được bỏ vào đó. Do bị phơi nắng thường xuyên nên sáp không bị sâu ăn và khi lượng sáp đủ lớn, thì có thể được đem nấu và ép.

Hình 12 là một dụng cụ nấu sáp đơn giản bằng ánh nắng mặt trời được giới thiệu cho người nuôi ong nghèo ở các nước đang phát triển. Thùng gỗ được sơn màu đen, khi được đặt ngoài nắng, nhiệt độ sẽ lên cao trên 63°C. Vì vậy sáp sẽ nóng chảy qua hộp lưới sắt và chảy xuống khay chứa bên dưới.

12. Xử Lý Một Số Tình Huống Xảy Ra Trong Trại Ong :

a. Hiện tượng ong bốc bay :

– Nguyên nhân: Do đặc tính dã sinh của ong : Ong A. cerana dễ bốc bay hơn A. mellifera, những ong được thuần hóa thì ít bốc bay. Các đàn ông hoang mới bắt về thường dễ bốc bay hơn những đàn ong đã được nuôi lâu.

– Do thiếu thức ăn

– Do vị trí đặt tổ ong không thích hợp : quá nóng, quá lạnh hoặc bị quấy nhiễu thường xuyên.

– Đàn ong bị bệnh : bị sâu sáp, bị kiến tấn công.

– Bốc bay do “cộng hưởng” : bốc bay theo các đàn bên cạnh.

Hiện tượng : Hiện tượng bốc bay thường xảy ra lúc sáng 9h – 3h chiều. Ong thợ lần lượt kéo nhau ra bay những đường vòng cao và rộng, kêu “oa, oa” rất lớn. Sau 15 – 20 phút ong kéo nhau đến 1 địa điểm mới.

Xử lý : Khi phát hiện đàn ong bắt đầu bốc bay, đóng ngay của tao bắt đầu b boc bay’ dex tổ lại để ong chúa không thể ra ngoài được, có thể ném đất, cát hoặc áo cho đàn ong hạ xuống thấp.

Tìm nhốt ong chúa lại. Kiểm tra đàn, tìm nguyên nhân đề xử lý.

Trường hợp khi đã bốc bay rồi, tìm xem đàn ong định vị ở vị trí nào, rồi bắt đàn ông về.

Cách đề phòng : phải thường xuyên kiểm tra đàn ong để có thể phát hiện kịp thời những triệu chứng trước khi bốc bay của đàn ong. Trước khi bốc bay, đàn ong thường có những biểu hiện sau :

+ Ong thợ ngùng đi làm hoặc làm thưa.

+ Ong chúa giảm đẻ trứng, nhấc cầu ong lên thấy nhẹ, ong thợ chạy lộn xộn (thường đàn ong bốc bay không để con lại).

+ Khi trong trại có đàn ong bốc bay thì phải đóng của các thùng ong bên cạnh để tránh bốc bay “cộng hưởng”.

b) Hiện tượng ong chia đàn tự nhiên :

Nguyên nhân : Do điều kiện thuận lợi, đàn ong phát triển mạnh có nhiều phấn mật, trong đàn xuất hiện những mũ chúa chia đàn tự nhiên, lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng chia đàn tự nhiên.

– Diễn biến : Giống hiện tượng bốc bay, ong chia đàn tự nhiên cũng vào lúc 9h sáng – 3h chiều. Tuy nhiên sau khi chia đàn ở tố cũ đàn ong còn lại một nửa.

– Xử lý : Cách xử lý giống như hiện tượng ong bốc bay.

Lưu ý : Khi chúa già dẫn một số quân bay ra khỏi tổ để tạo thành một đàn mới. Trong đàn ong cũ vẫn còn đông ong thợ và còn nhiều mũ chúa thì ong chúa tơ thứ nhất có thể tập hợp một số quân để bay đi khỏi tổ, tạo thành một đàn ong chia đàn thứ hai. Như vậy đàn ong đó sẽ có hai lần chia đàn.

Trong một số trường hợp có thể có chia đàn lần thứ ba nếu ong vẫn còn mạnh.

Cách phòng chống : Phải định kỳ kiểm tra đàn ong hiện mũ chúa tự nhiên và chủ động chia đàn.

c. Hiện tượng ong ăn cướp mật :

– Nguyên nhân :

Do thiếu thức ăn.

Do thế đàn không đồng đều : đàn ong mạnh thường cướp mật của đàn ong yếu.

Ong nội địa và ong Ý được đặt chung trong một khu vực.

Do quản lý trại không đúng kỹ thuật : cho ăn rơi vãi, quay mật lâu, kiểm tra đàn ong quá lâu.

Thùng nuôi ong hư hỏng có nhiều kẽ hở, đàn ong khó bảo vệ.

– Biểu hiện : Quan sát ở cửa tổ đàn bị cướp mật thấy ong bay ra vào vội vã (ong vô : đói, ong đi ra no). Ong thợ đánh nhau trước của thùng, có nhiều xác ong chết trước cửa thùng. Mở thùng kiểm tra thấy mật vơi hẳn. Cuối cùng đàn bị cướp có thể bốc bay.

Xử lý : Có thể phun nước để giải tán ong đánh nhau. Đặt một cục bông tẩm đầu hội trước của thùng để xua đuổi những ong lạ cướp mật. Sau đó đóng cửa tổ đàn bị cướp mật lại, chuyển tạm đàn bị cướp mật sang một vị trí mới. Ở vị trí cũ đặt một thùng không và cho vào đó một cục bông có tầm đầu hội để xua đuổi ong ăn cướp. Nếu cướp mật do quay mật nên ngừng quay. Nếu do kiểm tra đàn ong quá lâu nên ngừng kiểm tra.

Trường hợp ong cướp mật cộng hưởng toàn trại ta phải di chuyển cả trại.

– Phòng chống : tìm hiểu xem để loại bỏ từng nguyên nhân.

d) Hiện tượng đàn ong bị mất chúa

– Nguyên nhân :

Do chúa bị bệnh chết.

Ong chúa bị thằn lằn ăn.

Ong chúa bị chết do người nuôi ong gây ra khi kiểm tra đàn : kẹt chết hoặc rớt chúa ra ngoài.

Ong chúa tơ đi giao phối bị mất : do chuồn chuồn, ong vò vẽ. mắc vào mạng nhện hoặc có thể bị rớt xuống nước.

Cách phát hiện : Khi kiểm tra đàn ong không thấy chúa ta phải nghi ngờ. Sau đó kiểm tra xem có trứng không, nếu có thì có thể an tâm chúa còn. Nếu không thấy trứng chúa đã mất 3 ngày trở lên. Nếu không có ấu trùng chúa đã mất lâu.

Trường hợp không thấy chúa mà thấy những mũ chúa cấp tạo thì chúa đã mất.

Nếu ong chúa mất đã lâu mà trong đàn không còn trứng và ấu trùng tuổi nhỏ để tạo mũ chúa cấp tạo, sẽ xuất hiện hiện tượng ong thợ đẻ trứng. Đối với ong A. cerana ong thợ sớm đẻ trúng hơn con ong A. mellifera chậm hơn.

– Xử lý : Giới thiệu chúa mới hoặc mũ chúa vào, trước khi giới thiệu phải giết tất cả những mũ chúa cấp tạo. Hoặc nhập đàn ong bị mất chúa vào đàn ong có chúa nhưng trước đó cũng phải giết mũ chúa cấp tạo đi.

e) Hiện tượng ong thợ đẻ trứng :

– Nguyên nhân : do đàn ong mất chúa, không có trứng và ấu trùng để tạo mũ chúa cấp tạo.

– Biểu hiện : Có những lỗ tổ chứa trứng do ong thợ đẻ. Trứng do ong thợ đẻ thường bất bình thường ; cụ thể là :

– Trứng nằm trên thành ô lăng.

Có rất nhiều trứng trong cùng một ô lăng. Các ong thợ khác ăn những trứng này đi. Một số trứng khác vẫn được phát triển thành ấu trùng ong đực và sau đó phát triển thành nhộng ong đực. Ong đực này được sinh ra và phát triển trong lỗ tổ ong thợ nên kích thước nhỏ. Nếu quan sát trên cầu nhộng : nhộng vít nắp nhô lên, cầu nhộng vít nắp không đều.

Xử lý : Giới thiệu chúa hoặc mũ chúa vào cho đàn. Việc giới thiệu rất khó nên phải cẩn thận. Nên nhốt chúa hoặc mũ chúa trong lồng 3 ngày rồi mới thả ra. Cũng có thể nhập đàn ong này với đàn ong mạnh khác. Nếu không xử lý, đàn ong có thể bị tiêu diệt.

Ở bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu Kỹ Thuật Nuôi Ong Ngoại Apis Mellifera. Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Quý khách mua sản phẩm của công ty vui lòng liên hệ với chúng tôi qua:

Hotline: 0973.745.279 Zalo: 0973.745.279 Facebook: @matonghienthao Địa chỉ: 68 Trần Phú, TT Eakar, Daklak
Trần Nhật Trường
Từ khoá: , ,

HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA NGÀNH ONG MẬT

19/02/2023 Kỹ Thuật Nuôi Ong 282

Chương V : HIỆU QUẢ KINH TẾ Chúng tôi đã điều tra 23 hộ gia đình nuôi ong. Số lượng đàn ong của mỗi hộ biến thiên từ 7 đàn đến 130 đàn. Tính trung bình mỗi hộ gia đình nuôi 50 đàn ong. Các số liệu về kinh tế cũng được tính bình quân […]

HỆ THỐNG NUÔI ONG NỘI ĐỊA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM

19/02/2023 Kỹ Thuật Nuôi Ong 249

PHẦN B : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG NUÔI ONG NỘI ĐỊA APIS CERANA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ (Kết quả điều tra thực tiễn) Chương IV : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG NUÔI ONG NỘI ĐỊA A. CERANA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM I. PH N LOÀI […]

BỆNH ONG VÀ CÁC ĐỘNG VẬT HẠI ONG

17/02/2023 Kỹ Thuật Nuôi Ong 162

Chương III : BỆNH CỦA ONG VÀ CÁC ĐỘNG VẬT HẠI ONG Giống như nhiều vật nuôi khác, ong cũng bị bệnh do các loại vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Ngoài ra ong còn bị một số kẻ thù khác thường xuyên đe dọa. I- CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM BỆNH THỐI ẤU […]

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA ONG APIS CERANA

11/02/2023 Kỹ Thuật Nuôi Ong 312

Ở những bài viết trước, chúng tôi chỉ chia sẽ những phương pháp sử dụng Mật Ong Nguyên Chất. Hôm nay, với một chủ đề mới và được rất nhiều người quan tâm, Mật Ong Hiền Thảo xin soạn bộ tài liệu về Kỹ Thuật Nuôi Ong, hy vọng được mọi người ủng hộ. PHẦN […]

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 312